Đại dịch COVID-19 đang giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những tổn thất về tài chính, dịch bệnh còn làm thay đổi cách sản xuất và vận hành của nhiều doanh nghiệp. Nền kinh tế và xã hội được dự đoán sẽ không bao giờ trở lại tình trạng “bình thường” như trước đại dịch nữa, bởi sự nổi lên của các quan điểm phát triển mới, các xu hướng mới và luật chơi kinh tế mới. Nổi bật trong cuộc chơi này là sự lên ngôi của các công nghệ tương lai.
Trong đại dịch COVID-19, công nghệ là nhân tố giúp đời sống sinh hoạt của con người được duy trì ở mức ổn định. Những công nghệ này được dự đoán sẽ trở thành xu hướng tồn tại lâu dài sau đại dịch và có thể sẽ đem tới cơ hội bứt phá nếu doanh nghiệp biết nắm bắt kịp thời, biến nguy thành cơ.
Trong một nghiên cứu về tác động của đại dịch lên thị trường CNTT tại Trung Quốc, IDC đã chỉ ra các cơ hội mới mà đại dịch sẽ mang lại trong tương lai bao gồm:
- Cơ hội cho các nền tảng kỹ thuật số và dữ liệu lớn liên quan đến việc thông minh hoá và hiện đại hóa các hoạt động của chính phủ
- Cơ hội cho các thành phố và đô thị thông minh mới về phân cấp các cụm thành phố và thành phố trung tâm.
- Cơ hội cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến liên quan đến việc tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số của hệ thống chăm sóc sức khỏe.
- Cơ hội cho lớp học và giáo dục trực tuyến, văn phòng từ xa, ứng dụng công nghệ 5G; thương mại, dịch vụ không người lái, thương mại điện tử liên quan đến sự gia tăng nhanh chóng của các doanh nghiệp và dịch vụ không tiếp xúc.
- Cơ hội cho các robot quản lý, sản xuất và dịch vụ chuỗi cung ứng liên quan đến chiến lược tăng tốc toàn cầu của Trung Quốc + 1
Mua sắm trực tuyến và giao hàng bằng robot
Vào cuối năm 2002, dịch SARS đã dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền tảng kinh doanh trực tuyến B2B và B2C ở Trung Quốc.
Tương tự như vậy, COVID-19 đã thay đổi định nghĩa của mua sắm trực tuyến từ “nên có” sang “phải có” trên toàn thế giới. Một số quán bar ở Bắc Kinh thậm chí còn tiếp tục tung ra các gói khuyến mãi giờ hạnh phúc thông qua các đơn đặt hàng và giao hàng trực tuyến.
Mua sắm trực tuyến cần được hỗ trợ bởi một hệ thống logistic mạnh mẽ. Giao hàng trực tiếp vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus. Nhiều công ty giao hàng và nhà hàng ở Mỹ và Trung Quốc đang triển khai các dịch vụ giao hàng không tiếp xúc, nơi hàng hóa được nhận và giao tại một địa điểm được chỉ định thay vì tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc cũng đang tăng cường phát triển việc giao hàng bằng robot. Tuy nhiên, trước khi dịch vụ robot giao hàng trở nên thịnh hành, các công ty giao hàng cần thiết lập các giao thức rõ ràng để bảo vệ điều kiện vệ sinh của hàng hóa.
Thanh toán điện tử
Tiền mặt có thể là nguồn lây nhiễm virus, vì vậy các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo mức độ sạch khuẩn của tiền giấy trước khi lưu hành. Cùng với đó, giờ đây, thanh toán online không tiếp xúc, dưới dạng thẻ hoặc ví điện tử, là phương thức thanh toán được đề xuất để tránh sự lây lan của COVID-19. Thanh toán online cho phép mọi người thực hiện mua hàng trực tuyến và thanh toán hàng hóa, dịch vụ, tiện ích, cũng như nhận được các khoản hỗ trợ nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, có hơn 1,7 tỷ người không sử dụng các dịch vụ ngân hàng bởi những rào cản trong việc tiếp cận với hình thức thanh toán điện tử. Tính khả dụng của thanh toán điện tử cũng phụ thuộc vào tính khả dụng của internet, thiết bị và đường truyền mạng để chuyển đổi tiền mặt sang định dạng tiền số.
Làm việc và học tập từ xa
Nhiều công ty đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà kể từ đại dịch. Công việc từ xa được kích hoạt bởi các công nghệ bao gồm mạng riêng ảo (VPN), giao thức thoại qua mạng (VoIP), cuộc họp ảo, công nghệ đám mây, công cụ cộng tác làm việc và thậm chí là nhận dạng khuôn mặt. Ngoài việc ngăn chặn sự lây lan của virus, công việc từ xa cũng tiết kiệm thời gian đi lại và đặc biệt ưu việt bởi sự linh hoạt.
Tính đến giữa tháng 4, đã có 191 quốc gia tuyên bố hoặc thực hiện đóng cửa trường học, ảnh hưởng tới 1,57 tỷ sinh viên. Nhiều tổ chức giáo dục bắt đầu cung cấp các khóa học trực tuyến để đảm bảo giáo dục không bị gián đoạn bởi các biện pháp kiểm dịch của chính phủ.Tương tự như làm việc từ xa, giáo dục trực tuyến cũng bao gồm công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D printing và giáo viên robot được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Chăm sóc sức khỏe từ xa
Chăm sóc sức khỏe từ xa hay còn được gọi là Telehealth có thể là một cách hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong khi vẫn đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc cần thiết. Các thiết bị đeo IoT cá nhân theo dõi các dấu hiệu quan trọng của bệnh. Chatbots có thể đưa ra những chẩn đoán ban đầu dựa trên các triệu chứng được xác định bởi bệnh nhân.
Tuy nhiên, ở các quốc gia có chi phí y tế cao, telehealth nên được nằm trong các gói bảo hiểm. Telehealth cũng đòi hỏi kết nối internet tốt và trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ để vận hành. Và vì các dịch vụ y tế là một trong những lĩnh vực được quản lý chặt chẽ nhất, các bác sĩ thường chỉ có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân sống trong cùng khu vực.
Chuỗi cung ứng 4.0
Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số nhà máy đã phải đóng cửa hoàn toàn, bởi hệ thống kiểm dịch chặt chẽ, vô hình trung, đã gây khó khăn cho việc đáp ứng các đơn đặt hàng từ xa. Trong khi nhu cầu về thực phẩm và thiết bị bảo vệ cá nhân tăng cao, một số quốc gia đã thực hiện các mức khác nhau liên quan đến việc cấm xuất khẩu các mặt hàng đó. Sự phụ thuộc nặng nề vào hồ sơ giấy tờ, thiếu tính đa dạng và linh hoạt đã khiến hệ thống cung ứng truyền thống dễ bị tổn thương trước mọi cuộc khủng hoảng của thế giới.
Các công nghệ cốt lõi của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như Dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (Internet IoT,) và blockchain đang xây dựng một hệ thống quản lý chuỗi cung ứng linh hoạt hơn cho tương lai bằng cách tăng cường tính chính xác của dữ liệu và khuyến khích chia sẻ dữ liệu.
Tự động hóa
COVID-19 khiến cho thế giới nhận ra, để vận hành hoạt động của toàn cầu, chúng ta gần như hoàn toàn dựa vào sự tương tác của con người. Điều đó khiến cho các doanh nghiệp thâm dụng lao động, như bán lẻ, thực phẩm, sản xuất và logistic là đối tượng chịu tác động nghiêm trọng nhất từ đại dịch.
COVID-19 tạo ra một cú hích mạnh mẽ để các doanh nghiệp bắt đầu nghiên cứu và triển khai việc sử dụng robot. Gần đây nhất, robot đã được ứng dụng trong y tế, để cấp phát thuốc cho bệnh nhân hay trong hoạt động giao thức ăn.
Mạng 5G và Công nghệ thông tin
Tất cả các xu hướng công nghệ nói trên đều dựa vào yếu tố mạng internet ổn định, tốc độ cao với giá cả phải chăng. Mạng 5G cùng với Internet vạn vật đóng vai trò quan trong trong việc xây dựng các thành phố thông minh. Tương lai không xa, sau đại dịch COVID-19, xu hướng công nghệ này thực sự sẽ trải qua một bước tiến vượt bậc, làm thay đổi hoàn toàn cục diện của các Chính phủ và đời sống con người.
Về phía các doanh nghiệp IT, thách thức từ đại dịch cũng đem lại không ít cơ hội bứt phá. Theo báo cáo từ Deloitte, xu hướng thay đổi trong ngành “IT Service” bao gồm:
- Nhu cầu về dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây (cloud infrastructure service) sẽ tăng, kéo theo tiềm năng chi tiêu về các phần mềm chuyên dụng (specialized software). Báo cáo cũng dự đoán mức độ tăng mạnh của xu hướng làm việc và học tập từ xa , dẫn đến nhu cầu về các thiết bị trao đổi thông tin (communication equipment) và các dịch vụ viễn thông (telecom service).
- Hầu hết các công ty không có đội ngũ IT đủ mạnh để hỗ trợ duy trì hoạt động làm việc từ xa (remote work) và sẽ cần đến sự trợ giúp từ các đơn vị cung cấp dịch vụ IT (IT service providers) trong các vấn đề về bảo mật an ninh mạng, mua sắm thiết bị,…
- Nhu cầu trong việc truy cập dữ liệu nhanh và tự động sẽ kéo theo sự gia tăng nhu cầu về các thiết bị đường truyền mạng. Do đó, mạng 5G sẽ được tập trung xây dựng và phát triển hợn bao giờ hết.
Tại Việt Nam, so với doanh nghiệp nhiều ngành nghề khác, các công ty IT được đánh giá là thích ứng nhanh và linh hoạt hơn trước tình hình phức tạp hiện tại. Theo khảo sát của TopDev, hơn 60% các doanh nghiệp IT “thích ứng nhanh” với các giải pháp quản lý công việc và nhân sự lấy công nghệ làm cốt lõi. Chỉ 7% chọn giải pháp sa thải nhân viên và 5% doanh nghiệp phải phá sản. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm tại Việt Nam đang duy trì ở mức ổn định, điều này kết hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt của Chính phủ, không khó để nhận thấy tiềm năng phát triển và thu hút đầu tư của thị trường CNTT tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc đã “ngày một trở nên rõ rệt” và Việt Nam, khả năng chống dịch hiệu quả, đang là đích ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo những cập nhất mới nhất, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia được nhiều tập đoàn lớn của Mỹ lựa chọn là điểm đến thay thế Trung Quốc. Cụ thể, sự tê liệt trong chuỗi sản xuất của Apple tại Trung Quốc đã khiến tốc độ chuyển dịch sản xuất ra khỏi quốc gia này được đẩy nhanh nhất có thể. Công ty Pegatron chuyên lắp ráp iPhone đã đầu tư nhà máy tại Indonesia và dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2021. Inventec – doanh nghiệp chuyên lắp ráp tai nghe AirPod – cũng đang chuẩn bị xây nhà máy tại Việt Nam. Trước đó, Foxconn đã kịp đầu tư nhà máy tại Việt Nam và Ấn Độ.
Dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng những tác động mà nó để lại sẽ còn đó, và chúng ta chắc chắn phải mất một thời gian dài để khôi phục kinh tế cũng như sản xuất. Chí có nhanh chóng nắm bắt cơ hội bứt phá và định vị chính xác vị trí của mình thời kỳ hậu đại dịch, các doanh nghiệp IT mới có thể vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.
Discussion about this post